Cẩm Nang

NÁM DA LÀ GÌ? LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÒNG NGỪA NÁM DA?

Nám da là bệnh lành tính nhưng ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ và tâm lý của người mắc. Tuy nhiên, bạn có thể hạn chế nỗi lo này, hãy tìm hiểu ngay ở dưới đây.

Nám da – Nỗi to của tất cả chị em phụ nữ.

Nám da là gì?

Nám da là bệnh da tăng sắc tố đi kèm với hiện tượng tế bào biểu bì tạo hắc tố tăng cường sản xuất Melanin tại một số vùng da nhất định. Điều này dẫn đến hình thành các nốt hoặc mảng da sẫm màu, tương phản rõ rệt với các vùng da xung quanh. Nám da thường xuất hiện đối xứng ở vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Nám da có thể gặp ở cả hai giới nhưng phổ biến hơn ở phụ nữ, đặc biệt là trong độ tuổi từ 20 – 50. Ở phụ nữ, vùng nám thường xuất hiện ở hai bên gò má,mũi, cằm hoặc trán. Nám da ở phụ nữ gây nên tình trạng mất thẩm mỹ cho làn da, điều này khiến nhiều chị em trở nên e ngại, thiếu tự tin trong cuộc sống.

Về cơ chế hình thành nám da, da được cấu tạo bởi 3 lớp, trong đó lớp thượng bì chứa tế bào hắc tố (melanocyte) – là tế bào duy nhất có khả năng sản xuất ra các hạt melanosome và chuyển thành sắc tố (melanin). Melanin có khả năng chống lại tác hại của tia cực tím (tia UV), kiểm soát sự tổng hợp vitamin D3 và điều hòa thân nhiệt tại chỗ. Tuy nhiên, nếu hắc tố melanin được sản xuất quá mức, chúng sẽ tích tụ, tập trung lại một vùng da. Hiện tượng đó gọi là nám da.

Nguyên nhân gây nám da

Có rất nhiều nguyên nhân gây nám da, trong đó có 4 nguyên nhân chính có thể kể đến như sau:

1. Nám da do di truyền

Ngoài ánh nắng mặt trời, yếu tố di truyền cũng có thể gây nám da. Theo các nghiên cứu khoa học, khoảng 30% người bị nám là do yếu tố di truyền quyết định. Gen đóng vai trò quan trọng trong nám má. Người ta thấy rằng nám thường gặp ở phụ nữ, người có nước da sáng cũng chiếm tỷ lệ cao hơn.

Nám da có thể gây ra bởi yếu tố di truyền.

2. Nám da do rối loạn nội tiết

Hormone là nguyên nhân gây nám ở một số trường hợp, đặc biệt là phụ nữ mang thai, người sử dụng thuốc tránh thai tổng hợp. Estrogen làm cho tế bào sắc tố tăng cường sản xuất ra sắc tố và vận chuyển sang các tế bào thượng bì của da. Nồng độ các hormone estrogen, progesteron kích thích tăng tế bào sắc tố ở giai đoạn 3 của thai kỳ. Đây là câu trả lời cho việc khoảng từ 50-70% phụ nữ mang thai bị nám.

Mất cân bằng nội tiết tố có thể khiến hormone MSH (hormone gây kích thích tăng sản xuất Melanin dưới da) không còn được kiểm soát, từ đó sản sinh quá mức Melanin. Các đối tượng thường gặp tình trạng này bao gồm phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú và phụ nữ trong thời kỳ tiền mãn kinh – mãn kinh.

Thông thường, nám da do nội tiết có thể dễ khắc phục hơn, bởi khi cơ thể ổn định nội tiết tố thì vết nám sẽ tự mất đi.

3. Nám da do chế độ sinh hoạt không phù hợp

Thức khuya liên tục và căng thẳng kéo dài sẽ khiến cơ thể giải phóng nhiều hormone Cortisol. Nồng độ Cortisol tăng cao gây phá vỡ cấu trúc dạng sợi Protein (Collagen, Elastin, Laminin, Fibronectin), khiến da chảy xệ, dễ bị tia UV tấn công, gây ra tình trạng da sạm nám, tàn nhang và thiếu sức sống.

Thức khuya là nguyên nhân gây nám da từ độ tuổi còn trẻ.

Bên cạnh những nguyên nhân phổ biến trên, sạm da ở phụ nữ còn có thể gây ra bởi các vấn đề về da (viêm da, thâm mụn), ô nhiễm không khí, nhiễm độc từ mỹ phẩm… 

4. Nám da do tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời

Ánh nắng mặt trời là nguyên nhân hàng đầu gây nên các tác động tiêu cực cho cơ thể trong đó có nám da. Khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời ở cường độ mạnh, cơ thể sẽ tăng cường sản xuất sắc tố Melanin để bảo vệ da. Tuy nhiên, khi Melanin tăng sinh lại là yếu tố khiến da đen sạm, khô sần. Đây là nguyên nhân khiến những đốm nám hình thành và ngày càng lan rộng.

Bên cạnh đó, tia UV trong ánh nắng mặt trời còn thúc đẩy hoạt động của men tiêu hủy cấu trúc nền MMPs, làm đứt gãy các Protein dạng sợi như Collagen, Elastin… phá hủy tế bào, làm vỡ cấu trúc dưới da gây thất thoát các phân tử giữ nước giữ ẩm, khiến da nhanh lão hóa, lỏng lẻo, tối màu hơn, thậm chí là căn bệnh nguy hiểm như ung thư da.

Ánh nắng mặt trời là nguyên nhân phổ biến dẫn đến nám da.

Phòng ngừa nám da như thế nào?

Nám da do di truyền cần can thiệp bằng các biện pháp thẩm mỹ. Tuy nhiên nếu không do di truyền, nám da hoàn toàn có thể khắc phục được bằng cách phòng tránh. Nám da chủ yếu gây nên từ tăng sắc tố, vì vậy muốn khắc phục chị em cần lưu ý những biện pháp sau đây để ngăn ngừa các vấn đề tăng sắc tố da nói chung và nám da nói riêng.

1. Phòng ngừa nám da bằng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý

Sự suy giảm hoạt động của hệ trục Não bộ – Tuyến yên – Buồng trứng theo tuổi tác, gây mất cân bằng nội tiết tố cũng là một trong những nguyên nhân gây sạm nám da. Vì thế, bạn nên thay đổi lối sống sinh hoạt, ngủ nghỉ đúng giờ, xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học và kết hợp sử dụng sản phẩm chứa thảo dược thiên nhiên có cơ chế tăng cường hoạt động của hệ trục trung ương, để từ đó cân chỉnh nội tiết tố, cải thiện sạm da hiệu quả.

Việc ngủ đủ giấc, giữ tinh thần lạc quan, không lo âu không những giúp giảm stress mà còn giúp tránh rối loạn nội tiết tố gây nám da. Bên cạnh đó hãy bổ sung nước một cách đầy đủ, ăn nhiều rau xanh và hoa quả sẽ giúp làn da mịn màng và căng tràn sức sống hơn.

2. Phòng ngừa nám da bằng cách tránh sử dụng mỹ phẩm không có lợi

Việc sử dụng mỹ phẩm không có nguồn gốc rõ ràng, kém chất lượng có thể dẫn đến những hệ quả khôn lường cho làn da như dị ứng, nổi mụn, nám sạm,… Các mỹ phẩm làm trắng cao cấp có thành phần giúp nâng tông da, tuy nhiên hiệu quả không lâu dài do không thể tác động vào cấu trúc nền nằm sâu bên trong da hay xử lý các nguyên nhân gây sạm da từ bên trong như xáo trộn nội tiết tố… Ngoài ra, để đảm bảo an toàn, bạn nên lựa chọn thương hiệu mỹ phẩm có xuất xứ rõ ràng, đã được kiểm nghiệm chặt chẽ từ các tổ chức uy tín.

3. Phòng ngừa nám da bằng kem chống nắng

Nếu bạn có chăm sóc da cực cẩn thận nhưng quên bôi kem chống nắng, bạn chắc chắn sẽ không thể tránh khỏi nám da.

Kem chống nắng có tác dụng bảo vệ da tránh khỏi sự tấn công của ánh nắng mặt trời, ngăn ngừa hình thành các vùng da sạm đen. Do đó, bạn nên chú ý thoa kem chống nắng đều đặn mỗi ngày theo các nguyên tắc sau: 

  • Kem chống nắng phải có chỉ số SPF từ 30 trở lên và PA+++. Với chỉ số này, làn da của bạn sẽ được bảo vệ lên tới 95%.
  • Nên bôi kem chống nắng khoảng 30 phút trước khi ra ngoài để các dưỡng chất có thời gian hấp thụ và phát huy công dụng.
  • Sau mỗi 2 – 3 giờ, bạn nên thoa kem chống nắng lại một lần. Nếu ra nhiều mồ hôi do vận động hoặc tiếp xúc với nước như đi bơi, bạn cần bôi kem chống nắng thường xuyên hơn. 

Ngoài ra, bạn nên kết hợp mặc quần áo dày, tối màu, đội mũ và kính râm trước khi ra ngoài, để ngăn sự tấn công của tia cực tím đến các vùng da khác như cổ, vai, bàn tay, bàn chân.

Chống nắng kỹ càng trước khi ra ngoài sẽ giúp giảm hình thành sắc tố Melanin, cải thiện tốt tình trạng sạm da. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *