Cẩm Nang

THỰC HƯ VỀ CÔNG DỤNG THẦN THÁNH CỦA VIÊN UỐNG CHỐNG NẮNG

Viên thuốc chống nắng là một trong những trào lưu mới nhất trong việc bảo vệ da chống ánh nắng mặt trời với những công dụng thần thánh như chống nắng “nội sinh”, giảm tổng hợp melanin. Thực hư công dụng của viên uống chống nắng có như vậy?

FDA nói gì về viên uống chống nắng?

Theo Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA), nếu một chế phẩm uống thực sự bảo vệ chống ánh nắng, nó phải được gọi là thuốc và phải được phê duyệt bởi FDA, trong khi đó cơ quan này chưa nhận được bất kỳ hồ sơ đăng ký nào tương ứng với chỉ định này.

Thành phần của nhiều chế phẩm chống nắng trên thị trường hiện nay chủ yếu chứa các chất chống oxy hóa, chứa các gốc tự do ngăn ngừa lão hóa. Thuốc chỉ hạn chế một số phản ứng viêm và hạn chế tổn thương tế bào da khi tiếp xúc với ánh nắng.

Một số chế phẩm viên chống nắng có chứa dịch chiết dương xỉ Polypodium leucotomos, theo nghiên cứu trên The Journal of Clinical and Aesthetic Dermatology, khi uống thường xuyên kéo dài có thể giảm các tác dụng gây hại của tia cực tím, có thể tốt cho người da quá sáng hoặc quá nhạy cảm với ánh sáng. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ đề xuất hướng sử dụng dịch chiết như một phương pháp chống nắng bổ sung chứ không nhằm thay thế các biện pháp bảo vệ khác.

Viên uống chống nắng đang bị “thần thánh hóa” công dụng.

Một số thuốc quảng cáo có tác dụng chống nắng “nội sinh”, giảm tổng hợp melanin. Chưa biết thực hư ra sao, nhưng cũng cần lưu ý melanin là chất giúp da phòng vệ chống lại các tia UV, giúp hạn chế tổn thương ADN, từ đó tránh ung thư da. Tác dụng chống melanin, nếu có, chỉ làm da không bị sạm đi nhưng lại dễ bị ung thư hơn.

Viên thuốc chống nắng không thể thay thế tác dụng chặn ánh nắng và tia cực tím như các biện pháp che chắn hoặc dùng kem chống nắng. FDA đưa ra cảnh báo về các nguy cơ khi chỉ sử dụng viên thuốc chống nắng như là biện pháp duy nhất để phòng chống nắng mà bỏ qua các biện pháp vật lý khác. FDA cũng nhấn mạnh rằng không có viên thuốc chống nắng nào có thể thay thế được kem chống nắng.

Vì vậy, việc người dùng tin rằng chỉ cần uống viên chống nắng và bỏ qua các biện pháp khác là rất nguy hiểm do nguy cơ ung thư da do nắng.

Công dụng thực sự của viên uống chống nắng

Nếu người dùng chăm chỉ sử dụng đủ lượng kem chống nắng hàng ngày và bôi lại mỗi vài giờ, việc sử dụng viên uống chống nắng là không cần thiết. Tuy nhiên, rõ ràng chúng ta không thể đảm bảo sử dụng kem chống nắng mỗi ngày và mọi ngày. Hơn nữa, để đảm bảo có được hiệu suất bảo vệ SPF như ghi nhãn, cần sử dụng một lượng kem chống nắng nhất định và đủ dầy. Nhiều phụ nữ khi trang điểm lười bôi lại kem chống nắng lên trên lớp trang điểm của họ trong ngày, vì có thể làm hư hỏng lớp trang điểm. Dù kem chống nắng là biện pháp chống nắng tốt nhất, nó vẫn có những hạn chế và bất tiện khó chối cãi. Do đó, có thêm những biện pháp chống nắng bổ sung để hạn chế lão hóa và ung thư da có thể đem lại lợi ích.

Vấn đề không nằm ở bản thân thành phần viên chống nắng mà lại nằm ở cách quảng cáo chúng. Nếu người dùng tin rằng viên thuốc chống nắng sẽ bảo vệ họ khỏi ánh nắng mặt trời, họ sẽ không để ý đến việc bôi kem chống nắng. Nếu bỏ qua không bôi kem chống nắng khi đi ra nắng, người dùng sẽ không thực sự được bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời.

Sai lầm kinh điển khi dùng viên uống chống nắng khiến bạn tốn tiền và già nhanh

Đó chính là uống viên chống nắng nhưng không bôi kem chống nắng! Rất nhiều chị em hiện nay đang bị lầm tưởng về viên uống chống nắng. Họ cho rằng, chỉ cần uống viên chống nắng là đủ để chống nắng cho một ngày dài. Điều này vừa đỡ tốn thời gian vừa đảm bảo hiệu quả chống nắng kéo dài cả ngày.

Theo chuyên gia, đây là suy nghĩ vô cùng sai lầm. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu uống một viên chống nắng thông thường chỉ có thể bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV tương đương kem chống nắng có chỉ số SPF là 3. Nghĩa là thời gian bảo vệ da khỏi tác hại tia UV rất ngắn chứ không kéo dài cả ngày như nhiều người nghĩ. Nếu ở ngoài nắng trực tiếp trong vòng nhiều giờ thì 1 viên uống chống nắng sẽ không thể bảo vệ bạn hoàn hảo. Chính vì thế, chuyên gia khẳng định: “Sử dụng viên uống chống nắng không giúp bạn chống nắng toàn diện và không thể thay thế được kem chống nắng”.

Viên uống chống nắng chỉ nên sử dụng như một biện pháp để tăng cường thêm khả năng chống nắng.

Các bác sĩ da liễu khuyên sử dụng viên uống như một biện pháp bổ sung kèm với kem chống nắng để tăng thêm tác dụng bảo vệ. Viên thuốc chống nắng có thể tăng nhẹ ngưỡng chịu bỏng nắng và ngưỡng nhạy cảm với tia cực tím, tuy nhiên, viên thuốc không phải là kem chống nắng và không chặn được ánh sáng mặt trời. Vẫn không có biện pháp nào tốt hơn so với việc bôi kem chống nắng lên mặt, cổ, tai, mặt trên của bàn tay vào mỗi buổi sáng và lặp lại nhiều lần mỗi ngày. Đối với những người làm việc lâu dài ngoài trời, cần bôi kem chống nắng lên cơ thể. Tốt nhất là sử dụng kem chống nắng bôi da có chỉ số SPF từ 30 trở lên.

Luôn luôn sử dụng kem chống nắng mỗi ngày để ngăn ngừa các nguyên nhân gây hại đến làn da.

Điều này cũng được khẳng định trên nhiều quốc gia. Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng cho biết: “Không có loại thực phẩm chức năng nào thay thế kem chống nắng”. Do đó, nếu đánh giá khả năng chống nắng hoàn hảo thì viên chống nắng không thể bằng kem chống nắng. Suy nghĩ dùng một viên chống nắng mà không cần bôi kem chống nắng tại bất cứ thời điểm nào trong ngày sẽ khiến làn da gặp họa, sớm bị đen sạm, lão hóa nhanh.

Hơn nữa, không phải chỉ vào mùa nắng, ngày nắng mới cần sử dụng kem chống nắng. Theo các bác sĩ da liễu, cần sử dụng kem chống nắng trong mọi thời tiết, do khoảng 80% ánh sáng mặt trời có thể xuyên qua các đám mây, ngay cả trong ngày trời râm mát hay ngày mưa, mùa đông cũng như mùa hè.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *