Cẩm Nang

Hướng dẫn cách chăm sóc và làm dịu da bị cháy nắng

Mùa hè là thời gian mặt trời chiếu với cường độ ánh sáng mạnh nhất nên da rất dễ chịu tổn thương từ tia tử ngoại nếu phải tiếp xúc trực tiếp trong khoảng thời gian nhất định. Một vài tổn thương mà mọi người thường phải đối mặt là da đỏ rát, phồng rộp, thậm chí có thể là ung thư da. Da bị cháy nắng không chỉ ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ, thói quen sinh hoạt mà còn khiến sức khỏe làn da xấu đi. Chúng ta nên cố gắng tránh những tác hại từ tia sáng mặt trời để không xảy ra tình trạng cháy nắng. Nhưng nếu da bạn đã bắt đầu xuất hiện cháy nắng rồi thì hãy tham khảo bài viết dưới đây để có cách chăm sóc đúng cách nhé.

Da bị cháy nắng là gì?

Cháy nắng là một phản ứng viêm ở lớp ngoài cùng của da đối với tổn thương do tia cực tím (UV). Da chúng ta có melanin – một sắc tố mang lại màu sắc cho làn da và bảo vệ da trước các tia nắng mặt trời. Nó hoạt động bằng cách làm tối làn da khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời bằng cách làm tiêu tan 99,9% lượng tia UV hấp thụ. Vì vậy, khi tiếp xúc với ánh mặt trời quá lâu, cơ thể sẽ bắt đầu sản sinh ra melanin nhằm bảo vệ da. Đây cũng là lý do khiến da trở nên tối màu hơn.

Lượng melanin sản xuất tùy thuộc vào di truyền. Điều đó giải thích tại sao một số người bị cháy nắng trong khi những người khác bị sạm da. Cả hai đều là dấu hiệu tổn thương tế bào của da. Đối với những người có ít melanin, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời không được bảo vệ kéo dài có thể khiến các tế bào da bị đỏ, sưng và đau, hay còn gọi là cháy nắng.

Phồng rộp là hậu quả nặng nhất của tình trạng cháy nắng. Sau khi bị cháy nắng, da của bạn có thể bắt đầu bong tróc. Đây là một dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang cố gắng tự loại bỏ các tế bào hư hại. Đừng bao giờ cố gắng tự lột da mà hãy để nó bong tróc tự nhiên.

Dấu hiệu nhận biết da bị cháy nắng

Khi bị cháy nắng, da bạn sẽ có những triệu chứng sau đây: 

        • Đỏ da: Khi tia UV chiếu một thời gian quá lâu trên da sẽ khiến cho các mao mạch máu bị vỡ hoặc giãn ra, gây nên tình trạng đỏ và rát da.
        • Da không đều màu: vùng da nào tiếp xúc với tia cực tím càng lâu thì các sắc tố melanin được sản xuất ra càng nhiều, gây ra hiện tượng không đều màu da trên mặt, thậm chí xuất hiện nám, tàn nhang và đốm màu nâu.
        • Da khô sạm: Nhiệt độ tăng cao vào mùa hè khiến da bị mất nước nghiêm trọng, dễ dẫn đến trạng bong tróc da. Tình trạng bong tróc da có thể diễn ra sau 4 – 7 ngày 
        • Da có thêm nhiều nếp nhăn: Đây là dấu hiệu của quá trình lão hóa do các sợi collagen và elastin của da bị phá vỡ. 

Các triệu chứng nghiêm trọng có thể xảy ra như:

        • Cháy da và phồng rộp: Khi bị bỏng nặng, vùng da có thể bị bỏng rộp, thậm chí có mủ rỉ ra. 
        • Mất nước cơ thể, mất điện giải, nhiễm trùng da, có cảm giác mệt mỏi, buồn nôn, đau đầu và tổn thương da trên diện rộng.
Dấu hiệu nhận biết da bị cháy nắng

Những tác hại khi bị cháy nắng

Hầu hết tình trạng cháy nắng, bỏng nắng đều được xếp vào mức độ bỏng da cấp độ 1, là mức độ nhẹ nhất. Nhưng cháy nắng nhiều lần sẽ làm tăng nguy cơ ung thư tiềm ẩn cho da. 

Những người có làn da trắng, cháy nắng đóng vai trò rõ ràng trong việc phát triển khối u ác tính. Nghiên cứu chỉ ra các tia UV gây hại cho da cũng có thể làm thay đổi gen, ức chế khối u. Ngoài ra, tia này còn khiến các tế bào bị tổn thương ít có cơ hội chữa lành trước khi phát triển thành ung thư. 

Với những làn da tiếp xúc trực tiếp nhiều lần với ánh sáng mặt trời, ngay cả khi không có cảm giác bỏng rát thì phơi nắng cũng có thể làm tăng nguy cơ lão hóa sớm hoặc ung thư da. Chính vì vậy, nếu gặp phải tình trạng này, bạn cần hết sức lưu ý và có phương án xử lý kịp thời.

Cháy nắng nhiều lần sẽ làm tăng nguy cơ ung thư tiềm ẩn cho da

Cách xử lý khi da bị cháy nắng mùa hè

Để giảm nhanh các triệu chứng khó chịu như: đau rát, ngứa ngáy do bị cháy nắng cũng như bảo vệ làn da của bản thân, bạn cần tiến hành thực hiện xử lý như sau. 

Với người lớn 

Dùng nước mát để làm dịu da bị cháy nắng

Đây là cách đơn giản để hạ nhiệt độ của vùng da cháy nắng tức khắc. Bạn chỉ cần cho làn da ở trong nước sạch hoặc dội nước mát vào vùng da bị cháy nắng.

Lưu ý không nên chà xát quá mạnh vì có thể làm tồi tệ hơn cho làn da vốn đã tổn thương, gây đau rát hoặc kích ứng. Bạn cũng không nên sử dụng nước quá lạnh vì khi vùng da bị thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể làm giảm tốc độ phục hồi và gia tăng nguy cơ tổn thương do tê cóng trên vết bỏng. Tốt nhất, nên rửa vết bỏng dưới vòi hoa sen hoặc ngâm mình trong nước mát vừa phải để làm giảm nhanh tình trạng đau rát, khó chịu. 

Bôi gel lô hội hoặc kem dưỡng ẩm 

Gel lô hội hay kem dưỡng ẩm là những chất đặc biệt cần thiết, giúp làm mát vết cháy nắng tức thì và phục hồi da nhanh hơn. 

Những bệnh nhân bị cháy da nếu sử dụng gel lô hội để thoa vào vết bỏng sẽ cho hiệu quả làm dịu da tức thì do nha đam có khả năng bổ sung nước cho da.

Sử dụng lô hội để làm dịu da tức thì khi bị bỏng nắng.

Kem dưỡng ẩm phục hồi cũng là sản phẩm được tin dùng để chăm sóc và phục hồi làn da bị cháy nắng. Để cung cấp đủ ẩm, giảm tình trạng cháy da, mọi người hãy tìm hiểu và lựa chọn các loại kem dưỡng phù hợp, có thành phần giúp dịu da. Vì vậy, đây là một trong những cách xử lý cháy da ngày hè oi nóng đơn giản, hiệu quả mà bạn không nên bỏ qua.

Lưu ý rằng không nên dùng lô hội hoặc kem dưỡng ẩm cho những vết thương hở. Để tăng cường hiệu quả, bạn nên để kem dưỡng ẩm, lô hội trong tủ lạnh vừa có tác dụng làm mát, vừa giảm đau hiệu quả. Bạn cũng cần lưu ý đến các thành phần trong kem dưỡng ẩm bởi một số chất có thể gây kích ứng cho da. Tuyệt đối không sử dụng thuốc mỡ, bơ hoặc bất cứ loại dầu nào lên vùng da bị cháy nắng.

Uống nhiều nước có thể làm giảm da bị cháy

Da bị cháy nắng sẽ làm cho tình trạng mất nước trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, bạn cần bổ sung đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể. Ngoài nước lọc, bạn có thể uống các loại nước ép trái cây giàu vitamin A, C, E như: nước cam, nước chanh, cà chua, bưởi… để tăng cường sức đề kháng, giúp khỏe đẹp da.

Tránh tiếp xúc với ánh mặt trời trong quá trình phục hồi

Khi da đang bị tổn thương, bạn cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc với ánh mặt trời nhằm tránh gây ra các tổn thương nặng nề hơn. Trong trường hợp bắt buộc phải ra đường vào thời điểm nắng nóng, cần thoa kem chống nắng và che chắn cẩn thận bằng quần áo, mũ. Bạn nên chọn các loại vải có chất liệu thoáng khí, dễ chịu và rộng rãi để che chắn. Tránh dùng len hoặc các đồ da bóng vì dễ bắt nắng và hấp thụ nhiệt. 

Thông thường, các trường hợp bị cháy nắng đều từ khỏi trong vòng vài ngày đến vài tuần nếu được chăm sóc tốt. Tuy nhiên, ở những trường hợp bị phồng rộp, thời gian phục hồi có thể lâu hơn. Bạn cần tuân thủ các chỉ định của bác sĩ, giữ gìn vệ sinh vùng da bị phồng rộp.

Với trẻ em

Da bé mềm mại, dễ bị tổn thương nhưng lại nhanh lành hơn da người lớn. Tuy nhiên, da trẻ em có rất ít khả năng tự bảo vệ khỏi tổn thương, kể cả tổn thương từ mặt trời.

Bé dưới 6 tháng tuổi không được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Trẻ lớn hơn 6 tháng tuổi cần được bảo vệ khỏi ánh nắng, đeo kính râm chống tia UV để bảo vệ mắt. Nếu trẻ bị cháy nắng, hãy làm theo các hướng dẫn sau:

        • Tắm trong nước sạch, ấm để làm mát da.
        • Đối với em bé dưới 1 tuổi, cháy nắng nên được coi là một trường hợp khẩn cấp và cần gọi bác sĩ ngay lập tức. Đối với trẻ từ 1 tuổi trở lên, hãy gọi bác sĩ nếu bé bị đau dữ dội, phồng rộp, lờ đờ hoặc sốt trên 38,3°C.
        • Cháy nắng có thể gây mất nước. Bạn cần cho trẻ uống nước hoặc nước trái cây để thay thế chất lỏng cơ thể. Liên lạc với bác sĩ nếu trẻ không đi tiểu thường xuyên. 
        • Thoa kem dưỡng ẩm nhẹ để làm dịu da, nhưng không nên chà xát mạnh, tốt hơn nên sử dụng kem dưỡng theo chỉ định của bác sĩ. 
        • Giữ bé tránh khỏi ánh nắng mặt trời hoàn toàn cho đến khi vết cháy nắng lành.
        • Thực hành chống nắng như che chắn bằng quần áo, mũ, ô và thoa kem chống nắng cho trẻ. Đảm bảo rằng bất kể con bạn đi đâu cũng đều được chống nắng.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Cách phòng ngừa cháy nắng hiệu quả ai cũng có thể làm được.

Bên cạnh việc tìm hiểu các cách chăm sóc da cháy nắng, mỗi người nên chủ động phòng tránh tình trạng trên bằng những thói quen đơn giản như:

        • Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời từ 11 giờ sáng đến 16 giờ: Đây là thời điểm da bạn rất dễ tổn thương vì bức xạ mặt trời rất cao.
        • Sử dụng đồ bảo vệ da khi ra ngoài: Trước khi đi ra ngoài trời nắng, bạn nên trang bị mũ, áo chống nắng để hạn chế tối đa sự tiếp xúc của da với bức xạ mặt trời.
        • Thường xuyên sử dụng kem chống nắng: Sử dụng kem có chỉ số SPF30 đến 50, nên bôi kem khoảng 15 đến 30 phút trước khi ra ngoài và thoa lại sau mỗi 2 tiếng nếu phải ở ngoài trời trong thời gian dài. 
        • Mang kính râm: Bảo vệ đôi mắt bạn khỏi các tia cực tím, UV.
Thường xuyên sử dụng kem chống nắng trước khi ra ngoài để tránh nguy cơ bị cháy nắng

Trên đây là một vài chia sẻ của Altruist Sunscreen về việc chăm sóc làn da bị cháy nắng. Chúng tôi cũng khuyến khích các bạn nên thực hiện những biện pháp để phòng ngừa tình trạng trên để đảm bảo sức khỏe cho làn da. Hy vọng những thông tin chúng tôi cung cấp hữu ích với các bạn.

Altruist Sunscreen Vietnam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *